Kinh Thánh Của Một Người - "Chương 41"

Chương trước Chương tiếp

Anh phải bắt chước Phật Di Lặc nhìn thế giới với bộ mặt tươi cười, hoan hỉ, bình tâm, hòa hoãn và thế là anh đã có thể nhập niết bàn.

Anh vẫn thường cùng đám cán bộ thôn xóm ăn nhậu, tán phét, cũng như nói chuyện đàn bà con gái, nào “bóp được vú bé Mao chưa anh hai?”, nào “tưởng bở, đừng hòng, con gái người ta là hoàng hoa khuê nữ đó nghe!”, nào “làm sao mày biết nó còn khuê nữ, chưa bị chọc thủng màng trinh, hay là thử rồi mà con bé không cho?”, nào “không được phạm thượng, ả bây giờ là cán bộ dân quân, vừa được đề bạt”, nào “cán bộ còn thích bóp vú hơn cả đội viên, tao giải quyết sờ cho được cán bộ”, nào “mẹ mày, ai không nghiêm chỉnh, đời thật chó má, uống đi, uống nhiều vào, rồi đè con bé ra xem thử là khuê nữ hay đã đàn bà, anh hai dám không?”…

Cuộc sống là như vậy, phải uống đến mức say sưa, đến mức nói bậy, mới khoái, mới vui và anh cũng góp lời, tính chuyện kiếm vài cây gỗ dựng nhà, rào vườn rau, xây chuồng heo, ai muốn sống mà chẳng nuôi heo… Chuyện của anh chẳng ăn nhập gì với đồng bọn, không có nội dung phụ nữ, bình thường quá, “này anh hai, nếu muốn ở lại đây thì đừng có chướng tai gai mắt kiểu đó, nghe chưa?”.

Anh đảo mắt nhìn qua bàn nhậu, bát đĩa đựng thức ăn đã nhẵn thín, mười chai rượu trắng, loại nặng như lửa, uống vào là cháy cổ, thì chín chai không, chai cuối cùng chỉ còn non một nửa. Anh gạt cậu chàng say túy lúy gục trên đùi mình sang một bên, kéo ghế đứng dậy, con sâu rượu ngã lăn xuống nền nhà mà vẫn tiếp tục ngáy rất to. Hóa ra nơi đây đã trở thành bãi chiến trường vừa im tiếng súng, ngổn ngang thi thể các tử sĩ ngã gục trước chín chai rượu mạnh. Duy chỉ có lão Triệu lưng gù, chủ nhà, nửa tỉnh nửa say, trông có vẻ đang cười mà chẳng nhe răng, ngồi ngay ngắn ở cạnh góc bàn, lớn tiếng “cho tao bát canh gà!”, thật không hổ danh là bí thư chi bộ của đại lộ, tửu lượng khá cao, và tới phút chót vẫn kiên cường, nắm được phong trào, chưa bị đổ!

Năm hôm nay đang huấn luyện dân quân, phải có tới bảy, tám chục chiến sĩ tập trung từ các thôn xã, đem theo chăn mền về đây ngủ chung, ban ngày ngồi ngay trên chăn mền nghe chủ tịch ủy ban cách mạng công xã giảng chính trị, sau đó theo lão Đào – người được phân công phụ trách lực lượng vũ trang dân quân, kéo nhau ra sân đập lúa bắn bia, rồi gài thuốc nổ dưới các hốc đá bên bờ sông, tập cách công phá và đánh trận giả trên những chân ruộng vừa gặt xong đã tháo khô nước, hai bên thi nhau ném lựu đạn, đùng đùng đoàng đoàng, cày tung cả bùn đất. Đám thanh niên hảo hán lăn lộn vất vả mấy ngày trên thao trường, tất cả đều sống sót trở về, kéo nhau tới nhà lão Triệu lưng gù, người đang giữ chức bí thư chi bộ trong suốt hai mươi năm nay. Triệu bí thư có kinh nghiệm, có thành tích, có danh vọng, cho nên nói gì dân nghe nấy, bảo trích lương thực phụ giúp dân quân huấn luyện là trích, bảo góp gà vịt từ các thôn xóm là góp, cũng phải hơn chục con. Vợ lão Triệu cũng không hà tiện, xung phong gương mẫu một gà mái tơ sắp đẻ trứng, lại còn cả cá, thịt, đậu phụ nữa, bồi dưỡng đám trẻ bữa nhậu ra trò.

Mâm bày biện ở nhà lão Triệu là chiếu trên gồm các thôn trưởng, chiếu dưới bố trí tại kho thóc do kế toán đại đội thù tiếp. Ngồi được chiếu của Triệu bí thư đâu phải dễ, ít ra cũng có tí máu mặt, anh được phần là nhờ ông Lục chỉ định, đại diện nhà trường đến tham dự huấn luyện dân quân.

– Thầy giáo sống ở kinh thành, bên cạnh Mao Chủ tịch, nay về đây chịu khổ, lại là người của Lục bí thư, mong đừng chối từ, xin mời nhập tiệc, mời, mời – lão Triệu lưng gù khẩn khoản.

Theo tục lệ xóm núi, đàn bà con gái không được ngồi cùng chiếu và uống rượu với cánh các “cụ”, cho nên Triệu lão bà phải lo việc bếp núc, nấu xào, còn bé Mao mới mười tám tuổi đã được đề bạt làm đại đội trưởng dân quân cũng phải bưng bê vào ra như con thoi, phục vụ mâm tám người từ lúc chập tối đến tận quá nửa đêm. Chai rượu này vừa rót tràn cái bát lớn đựng canh, luân phiên mỗi người nhấp một ngụm, phân phối công bằng, không ai nhiều ai ít, cho tới lúc gần cạn lại tiếp thêm chai khác, cứ thế dồn một đống chai không. Anh thưa, tửu lượng kém cỏi, không sánh bằng các vị, dám xin được miễn thứ.

– Thầy giáo là người có thể diện từ Kinh thành về đây, từng thưởng thức của ngon vật lạ, uống loại rượu nhà quê, rượu nông dân chân lấm tay bùn như thế này, khó nuốt là phải, mau bưng cơm lên cho thầy giáo nghe các con! – Lão Triệu ra lệnh và bé Mao đã đứng ngay sau lưng anh, đem cho anh một bát cơm rõ đầy.

Ai nấy đều đỏ mặt, lời lẽ cũng nhiều hơn, cười đùa vui vẻ, từ chủ đề cách mạng ngôn từ hào tráng đã dần dần chuyển sang câu chuyện thân xác đàn bà lúc nào chẳng hay, và các “cụ” nói năng ra chiều mặn mà, chứ không khô khan như ban đầu mới nhập tiệc. Bé Mao thấy vậy bèn nấp luôn trong bếp chẳng dám bưng bê phục vụ nữa.

– Bé Mao, bé Mao đâu rồi em?

– Em đây! – Triệu lão bà xuất hiện – gọi em có chuyện gì ạ? – Đoạn lên giọng – đừng có giả bộ tửu hứng mà động đậy chân tay, con gái người ta là hoàng hoa khuê nữ đó nghe!

– Vô lẽ hoàng hoa khuê nữ thì không thích đàn ông à?

– Này em ơi chị nói cho mà hay, miệng thịt ngon kia em của chị đâu đã đến phần!

Cả lũ lè nhè khen bà chị “hảo”, bà chị “trường”, bà chị “đoản”, “biết tề gia, biết đối nhân xử thế, lão Triệu thật là phúc phận có vị nội tướng như bà chị”.

– Thế bà chị không cho bọn em hưởng tí ân huệ hay sao?

– Thôi đủ rồi, câm cái mồm thối của cậu em đi – Triệu lão bà chống nạnh và càng mạnh dạn hơn – cho trôi sông tất cả lũ quỷ đực các người!

Lời lẽ tục tằn, bông lơn pha tí rượu, càng nói, càng hăng, không thể kết thúc nổi, anh ngồi nghe và cũng biết ít nhiều, bọn họ đều là cán bộ cả mà.

– Nếu không nhờ phúc đức Mao Chủ tịch thì bần nông và trung nông lớp dưới chúng ta đâu có ngày hôm nay, và các tiểu thư học sinh thành phố làm gì lại về nông thôn an cư lập hộ – ai đó bỗng chuyển sang đề tài nghiêm túc và bị đập ngay lập tức:

– Đừng giả bộ chính trị nữa ông anh!

– Đ… mẹ, giả bộ cái gì?

– Ây chết, thầy giáo ngồi đây mà đ… mẹ, đ… cha thì khó nghe quá.

– Thầy giáo cũng thế, đã cùng chúng ta chân lấm tay bùn, đã cùng chúng ta chung hội chung thuyền, có phải không thưa thầy?

Đúng vậy, anh đã cùng họ ngủ chung trong kho thóc, trên đệm rơm; mỗi ngày huấn luyện dã ngoại trở về, cùng họ tỷ sức, vật tay, vật chân, ai thua là bị lột quần ngay trước mặt bọn con gái, chúng nó còn ào vào lấy thắt lưng da quất lên mông, kêu re ré, đến là huyên náo, những lúc ấy bé Mao lánh đi chỗ vắng, mím miệng cười thầm, nô đùa mãi đến tận khuya, đèn tắt mới thôi.

Anh rút khỏi bàn tiệc, đi ra ngoài hóng mát, gió quyện hương lúa thổi mơn man dễ chịu, dưới ánh trăng mờ rừng núi nhấp nhô và mông lung kỳ ảo. Anh ngồi cạnh cối xay lúa, chậm rãi châm điếu thuốc, tư lự nghĩ suy, may mắn được bọn họ tín nhiệm, không còn người dò la ngấp nghé ngoài song, hay bóng đen bí hiểm vụt qua như dạo trước. Anh không còn bị ai để mắt trông coi, ngược lại tựa hồ đã mọc rễ tại đây, hòa chung với đám hảo hớn thôn làng mà cha ông họ từ bao đời nay từng sống như thế, lăn xả với bùn đen và thân xác đàn bà, mệt thì uống, uống là say, say rồi ngủ, không hề có một cơn ác mộng… Anh ngửi thấy mùi bùn đâu đó, khoan thai, nhưng có phần mỏi mệt.

– Thầy giáo, thầy vẫn chưa đi ngủ?

Anh ngoảnh lại thấy bé Mao đã đứng yên bên cạnh đống củi, dưới ánh trăng mờ, nhưng vẫn hiện rõ thân đoạn nữ tính thập toàn, hấp dẫn của em.

– Trăng đẹp quá!

– Thầy giáo thật nhàn nhã, đến lúc này mà vẫn thích ngắm trăng.

Bé Mao nhìn anh mỉm cười, giọng nói thật ngọt ngào, quyến rũ và có vẻ vút cao. Ôi cô em, mắt sáng long lanh như hai giọt nước, bộ ngực nhô đầy, chắc nịch, làm sao mà tránh nổi bao bàn tay của bọn trai làng, nhẽ nào chúng lại để yên, không sờ không bóp. Là anh nghĩ vậy, chứ em đây vẫn thanh xuân mơn mởn, không âu lo, không sợ hãi, sống an bình trên mảnh đất mà em đã sinh ra. Em có thể hiến dâng anh, nhận lãnh anh, hình như bé Mao muốn nói như vậy, nhưng còn xem anh có thích, có cần hay không, em chờ, em đợi lời anh, dẫu là đêm tối mà anh vẫn nhìn thấy mắt em khác lạ, nó gợi lên trong anh bao thèm khát về người con gái. Em dám nửa đêm khuya khoắt thế này ra đây cùng anh, em tựa người vào đống củi, nhưng anh cứ ngồi trân trân, một bước không rời, không đến với em, không như bọn trai làng, không như lũ thổ phỉ cợt nhả, dày xéo, băm vằm, anh không có cái loại dũng khí kiểu đó, em đi!


© 2024. WebDocSach
Mọi chi tiết về bản quyền, yêu cầu sách, góp ý xin gửi về email : [email protected]